vi - lời chứng thực: một thực tập sinh từ Hải Phòng ở Paris

vi - lời chứng thực: một thực tập sinh từ Hải Phòng ở Paris

lời chứng thực: một thực tập sinh từ Hải Phòng ở Paris

Chào quý vị,
Tôi tên là Nghĩa Phạm, tôi là một bác sĩ trẻ thuộc chuyên ngành thấp khớp. Tôi cũng là giảng viên bộ môn Nội, trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Hiện tại tôi đang làm luận án tiến sĩ về các bệnh lý khớp viêm do vi tinh thể tại trung tâm Viggo Petersen, khoa khớp, bệnh viện Lariboisière, Paris.

Chắc hẳn quý vị sẽ thắc mắc tại sao một bác sĩ chuyên ngành thấp khớp lại kể một câu chuyện trên trang web của một hội liên quan đến hô hấp? Tôi sẽ trả lời rằng cuộc đời và bước ngoặt sự nghiệp của tôi gắn liền Hội phổi Pháp-Việt (AFVP). Chính sự kết nối này đã thúc đẩy tôi đến với chuyên ngành thấp khớp học. Không chỉ vậy, hội còn tạo cho tôi động lực học tập tại Pháp và niềm đam mê nghiên cứu
Hội Hô hấp Pháp - Việt tại Hải Phòng

Tại sao AFVP đã mang tôi đến với chuyên ngành thấp khớp?

Trước hết, nhờ có Thầy Giáo sư PHẠM Văn Thức, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hải Phòng, trong nhiều năm qua chúng tôi đã duy trì một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với AFVP. Hàng năm, chúng tôi cùng nhau tổ chức các cuộc khám bệnh nhân đạo cho người dân thành phố Hải Phòng. Hạt nhân nòng cốt là các thành viên của hội. Chính vì hoạt động này mang một ý nghĩa vô cùng nhân văn, nên theo thời gian nó đã thu hút thêm ngày càng nhiều các bác sĩ từ các chuyên khoa khác tới tham gia. Gia đình hai bác sĩ Mignonat là một ví dụ tuyệt vời. Người chồng là Guy Mignonat, một bác sĩ hô hấp, một thành viên của AFVP, rất năng nổ trong hoạt động khám bệnh nhân đạo. Sau vài năm tham gia, ông đã thuyết phục được người vợ của mình là Hélène Mignonat, một bác sĩ chuyên khoa khớp tới Hải Phòng để đồng hành cùng ông. Tôi may mắn vì đã thường xuyên cùng họ có mặt trong hoạt động ý nghĩa này. Có thể nói rằng Hélène là người thầy đầu tiên khiến tôi cảm mến với chuyên ngành khớp từ đó. Bài học đầu tiên mà tôi học được ở Hélène trong chuyên ngành này, đó là sự thận trọng và tỉ mỉ.

 

Tại sao AFVP lại thôi thúc tôi yêu thích nghiên cứu và giúp tôi có động lực để học tập tại Pháp?

 

Năm 2015, khi còn đang là bác sĩ nội trú chuyên ngành nội khoa, lần đầu tiên trong đời tôi may mắn được đến Lille để tham dự một trong những hội nghị lớn nhất thế giới, đó là Hội nghị hô hấp Pháp ngữ (CPLF). Tôi có được cơ may này là nhờ vào lòng tốt của ông Jean-Louis NOIRET và bác sĩ Đỗ VŨ, thành viên ban chấp hành của AFVP. Cảm phục trước sự phát triển khoa học ở Pháp, chính hội nghị này đã thúc đẩy tôi có động lực để quay lại đây học tập và nghiên cứu.
Hơn nữa, một trong những thành viên của AFVP mà tôi vô cùng biết ơn là Giáo sư ĐINH XUÂN Anh Tuấn, trưởng khoa thăm dò chức năng tại Bệnh viện Cochin, Paris. Thầy là một trong những người thầy đầu tiên nâng đỡ khi tôi bắt đầu làm nghiên cứu ở Pháp. Tôi đã có cơ hội làm việc với Thầy trong một đề tài liên quan đến đo nồng độ NO trong khí thở ra ở chuột bị bệnh xơ cứng bì toàn thể.

Tóm lại, với vài lời chưa bao giờ là đủ, nhưng dù sao cũng là cơ hội hiếm có để tôi thể hiện lòng biết ơn của mình đến các thành viên của AFVP, cũng như những người thân của họ, mà tôi đã gặp, những người đã cho tôi cơ hội thay đổi cuộc đời mình! AFVP là gia đình thứ hai của tôi!